Việt Nam đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững thông qua việc thúc đẩy năng lượng tái tạo tại khu công nghiệp (KCN). Với nền tảng hạ tầng điện đã sẵn sàng, các chính sách hỗ trợ đang dần hoàn thiện, điện mặt trời mái nhà trong khu công nghiệp đang bước vào giai đoạn phát triển mới đầy triển vọng.

Theo ông Trần Viết Nguyên – Phó Trưởng Ban Kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), hạ tầng điện tại hầu hết các khu công nghiệp hiện nay đã đủ điều kiện để tiếp nhận nguồn điện từ các hệ thống điện mặt trời mái nhà. Việc EVN không cần nâng cấp thêm lưới điện cho thấy khả năng tiếp nhận và vận hành nguồn điện phân tán đã được tính toán kỹ lưỡng từ khâu quy hoạch.
Đặc biệt, EVN đã ban hành các hướng dẫn liên quan đến việc triển khai hai Nghị định quan trọng: Nghị định 57/2025/NĐ-CP về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) và Nghị định 58/2025/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Điện lực về phát triển điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới.
Tiềm năng lớn từ Khu công nghiệp tại Việt Nam
Việt Nam hiện có hơn 429 khu công nghiệp với tổng diện tích lên tới 142.162 ha, đây là nguồn mái nhà tiềm năng khổng lồ cho việc phát triển điện mặt trời mái nhà. Đặc biệt, các khu công nghiệp thường có nhu cầu tiêu thụ điện lớn và ổn định vào ban ngày với hiệu suất phát điện tối ưu của hệ thống mặt trời. Điều này giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí năng lượng, ổn định nguồn cung và giảm phụ thuộc vào lưới điện truyền thống.
Chính sách đồng hành cùng doanh nghiệp
Để đồng hành cùng doanh nghiệp, EVN đã thông báo mức chi phí năm 2025 khi tham gia cơ chế DPPA, đồng thời triển khai quy trình kỹ thuật, tiêu chuẩn đấu nối và hướng dẫn giám sát – điều khiển hệ thống điện mặt trời mái nhà có công suất từ 100 kWp trở lên. Ngoài ra, theo Nghị định 58, các hệ thống điện mặt trời mái nhà được phép bán tối đa 20% sản lượng dư lên lưới điện, với điều kiện đảm bảo: công suất nằm trong quy hoạch điện.

Một trong những lo ngại lớn nhất hiện nay là nguy cơ quá tải lưới điện khi các hệ thống điện mặt trời mái nhà đồng loạt phát điện. Tuy nhiên, theo EVN, việc phát triển điện mặt trời mái nhà theo mô hình tự sản – tự tiêu với tỷ lệ phát lên lưới không quá 20% sẽ không gây áp lực lên lưới điện quốc gia. Đồng thời, hệ thống điều độ cấp phân phối có quyền điều chỉnh lượng điện phát lên lưới trong trường hợp cực đoan để đảm bảo an toàn hệ thống.
Với nền tảng hạ tầng kỹ thuật đã sẵn sàng, hệ thống chính sách đang dần hoàn thiện và cam kết đồng hành từ EVN, điện mặt trời mái nhà đang trở thành giải pháp then chốt trong tiến trình xanh hóa các khu công nghiệp tại Việt Nam. Đây là cơ hội giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững trong tương lai gần.