Hướng dẫn bảo trì hệ thống năng lượng mặt trời

Hệ thống năng lượng mặt trời đang ngày càng phổ biến nhờ tính hiệu quả vượt trội. Một trong những ưu điểm nổi bật mà hệ thống mang lại là không đòi hỏi quá nhiều yêu cầu bảo trì, bảo dưỡng trong quá trình vận hành. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là hệ thống năng lượng mặt trời hoàn toàn không cần được bảo trì. Việc bảo trì đúng cách sẽ giúp hệ thống hoạt động an toàn, chính xác và hiệu quả hơn.

  

1. Vì sao cần bảo trì hệ thống năng lượng mặt trời?

- Tăng sản lượng điện:

Khi một bộ phận bất kỳ trong hệ thống năng lượng mặt trời bị hư hỏng sẽ gây ảnh hưởng tới toàn hệ thống. Từ đó, hệ thống sẽ bị giảm công suất, hiệu quả đi xuống, gây thiệt hại đến lợi ích kinh tế của người dùng.

Do đó, việc bảo trì thường xuyên giúp hệ thống hoạt động trong trạng thái tốt nhất sẽ giúp sản lượng điện duy trì ở mức cao nhất và ổn định nhất.

- Hạn chế rủi ro:

Tuy hệ thống năng lượng mặt trời được thiết kế tương đối an toàn không phải là hoàn toàn không xảy ra sự cố. Các hiện tượng cháy nổ, nứt tấm pin, thiết bị bị ăn mòn,… vẫn sẽ xảy ra nếu chúng ta không kiểm tra và bảo trì kịp thời, gây thiệt hại về kinh tế hay thậm chí ảnh hưởng đến con người.

Vì vậy, quá trình bảo trì hệ thống giúp phát hiện các lỗi nhỏ nhanh chóng và kịp thời khắc phục, vừa tiết kiệm chi phí vì không phải thay thế thiết bị vừa bảo đảm an toàn cho thiết bị lẫn con người.

- Nâng cao tuổi thọ:

Hầu như các thiết bị trong hệ thống năng lượng mặt trời đều có thời gian bảo hành khá lâu. Tuy nhiên, không phải lỗi nào cũng được nhà sản xuất bảo hành, đơn cử là lỗi bị võng do giàn đỡ yếu gây úng nước lâu ngày ở tấm pin mặt trời. Do đó, nếu phát hiện sớm thiết bị gặp vấn đề, chúng ta sẽ sửa chữa kịp thời, giúp thiết bị tiếp tục hoạt động tốt mà không cần phải thay thế thiết bị mới.

 

Hệ thống năng lượng mặt trời cũng cần được bảo trì để vận hành trơn tru

Như vậy, quá trình bảo trì hệ thống cho phép người dùng theo dõi và phát hiện các lỗi của hệ thống trong quá trình vận hành. Nhờ đó, hệ thống có thể hoạt động trơn tru, lâu dài và an toàn hơn.

2. Cách bảo trì hệ thống năng lượng mặt trời

Việc bảo trì hệ thống năng lượng mặt trời được phân làm hai loại: Bảo trì định kỳ và bảo trì khẩn cấp.

2.1. Bảo trì định kỳ

Bảo trì định kỳ giúp thiết bị hoạt động hiệu quả theo thời gian, thực hiện theo chu kỳ nhất định kể từ khi lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời.

2.1.1. Làm sạch tấm pin mặt trời

Vì được lắp đặt ngoài trời nên việc bụi bẩn tích tụ trên tấm pin, gây cản trở việc hấp thu bức xạ mặt trời và chuyển đổi thành điện năng là không thể tránh khỏi. Bởi vậy, công việc vệ sinh tấm pin mặt trời tuy đơn giản nhưng lại rất quan trọng trong việc duy trì sản lượng điện.

Vệ sinh tấm pin mặt trời chủ yếu chỉ cần dùng nước sạch chứ không nên dùng chất tẩy rửa vì chúng sẽ bám vào tấm pin nếu không được rửa sạch, một số trường hợp thì cần thêm khí nén. Khi vệ sinh, chỉ nên dùng vải mềm để lau kể cả với các vết bẩn cứng đầu, không đứng, ngồi trên bề mặt tấm pin.

 

Chỉ nên dùng nước sạch và vải mềm để vệ sinh tấm pin mặt trời

Tần suất vệ sinh tấm pin mặt trời tùy thuộc vào kiểu lắp đặt, cấu hình hệ thống, điều kiện khu vực lắp đặt và khoảng thời gian trong năm.

2.1.2. Kiểm tra các điểm nóng cục bộ (Hot Spot) trên tấm pin mặt trời

Hot spot là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra hỏng hóc tấm pin năng lượng mặt trời hoặc nguy cơ hỏa hoạn. Các điểm nóng không thể nhìn thấy bằng mắt thường trừ khi bạn có thể nhìn thấy sự khác biệt rõ ràng về màu sắc như đốm nâu trên tấm pin năng lượng mặt trời.

Phương pháp hiệu quả nhất để phát hiện điểm nóng là sử dụng phương pháp đo nhiệt độ. Hình ảnh nhiệt đồ là hình ảnh hoặc video thể hiện sự phân bố nhiệt độ của các vật thể. Trong quá trình kiểm tra tấm pin mặt trời, phương pháp đo nhiệt ghi điểm nóng trên bề mặt tấm pin mặt trời với tỷ lệ chính xác rất cao.

 

Cần kiểm tra Hot Spot trên tấm pin mặt trời

Tấm pin năng lượng mặt trời nhiều bụi bẩn có khả năng tạo ra hiệu ứng điểm nóng cao hơn, thường xuyên làm sạch các tấm có thể giúp giảm hiệu ứng này. Kiểm tra và đảm bảo rằng mọi cây cối xung quanh không cản ánh sáng mặt trời chiếu tới các tấm pin mặt trời.

2.1.3. Kiểm tra kết nối, dây dẫn

Hệ thống dây điện kết nối các bộ phận hệ thống là phần tử cực kỳ quan trọng, cho phép hệ thống hoạt động và vận hành một cách trơn tru và liên tục. Việc dây kết nối trong hệ thống bị lỗi sẽ dẫn đến gây giảm trực tiếp sản lượng điện sản xuất được.

 

Kiểm tra kết nối, dây dẫn là rất cần thiết

Người dùng có thể theo dõi trực tiếp trên app điện thoại, website,… để phát hiện lỗi. Hoặc trong trường hợp không có các thiết bị theo dõi và kiểm soát hiện đại, người dùng có thể theo dõi hóa đơn điện. Trong trường hợp hóa đơn tiền điện có thay đổi bất thường hãy kiểm soát lượng điện sinh ra và tìm ra nguyên nhân.

2.1.4. Bảo trì biến tần

Sự cố Inverter là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến việc dừng hoạt động của hệ thống điện mặt trời. Vì vậy, công việc bảo trì Inverter định kỳ là rất quan trọng. Công việc bảo trì gồm những công việc sau:

- Kiểm tra bên ngoài để đảm bảo inverter đặt tại nơi thoáng khí, đảm bảo ánh sáng trực tiếp không chiếu vào inverter;

- Kiểm tra làm sạch bộ lọc bụi, thay thế các bộ lọc của quạt tản nhiệt nếu cần thiết;

- Loại bỏ bụi bẩn của các thiết bị điện tử;

- Kiểm tra tất cả các mối nối;

- Kiểm tra cổng kết nối DC/AC;

- Kiểm tra dấu hiệu bất thường trên board mạch của inverter;

- Kiểm tra tiếp địa cho inverter;

- Kiểm tra cầu chì / chống sét của inverter;

- Thực hiện các đánh giá, kiểm tra cần thiết khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

 

Bảo trì biến tần rất quan trọng

Một điểm đáng lưu ý là thời gian bảo trì nên thực hiện trước 7h sáng hoặc sau 5h chiều để tránh tổn thất về điện năng hệ thống sản xuất được.

Ngoài ra, các thiết bị phụ cũng cần kiểm tra và bảo trì định kỳ để bảo đảm hệ thống hoạt động ổn định, như: tủ điện, hệ thống tiếp địa, khung/giá đỡ, hệ thống giám sát…

2.2. Bảo trì khẩn cấp

Bảo trì khẩn cấp là công tác bảo trì khi phát hiện các thiết bị xảy ra sự cố đã, đang và sẽ ảnh hưởng tới sự vận hành của hệ thống.

Lúc này, người dùng cần xác định chính xác vấn đề xảy ra ở đâu để có thể đưa ra các phương pháp bảo trì kịp thời, đảm bảo hệ thống nhanh chóng vận hành bình thường trở lại.

 

Hệ thống năng lượng mặt trời sẽ vận hành ổn định hơn nếu được bảo trì đúng cách

Với hệ thống năng lượng mặt trời, công tác bảo trì tuy không đòi hỏi cao nhưng là việc không thể thiếu nhằm đảm bảo hệ thống vận hành ổn định, lâu dài và hiệu quả. Chính vì thế, người dùng không nên ỷ lại tính an toàn và hiệu suất cao của hệ thống mà lơ là công tác bảo trì.

 

Blog khác
Hộ gia đình có nên lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời không?

Điện năng lượng mặt trời là nguồn điện lấy từ ánh sáng mặt trời, đây là nguồn năng lượng sạch và đang được sử dụng rất nhiều trên toàn thế giới. Tuy nhiên, ở Việt Nam, mặc dù điện năng lượng mặt trời càng ngày càng được biết đến rộng rãi nhưng tỷ lệ hộ gia đình lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời là tương đối thấp. Có nên sử dụng điện năng lượng mặt trời hay không? Đây là mối băn khoăn của rất nhiều gia đình hiện nay.

Hướng dẫn vệ sinh bơm năng lượng mặt trời đúng cách

Bảo trì, bảo dưỡng là công tác quan trọng để hệ thống bơm năng lượng mặt trời hoạt động ổn định và lâu dài. Trong đó, công tác vệ sinh đóng vai trò rất quan trọng, góp phần giúp hệ thống hoạt động hiệu quả hơn.

Hướng dẫn vệ sinh đèn năng lượng mặt trời đúng cách

Như đã biết, đèn năng lượng mặt trời thường được thiết kế hiện đại và bền chắc hơn so với các loại đèn thông thường. Tuy nhiên, nếu không thường xuyên vệ sinh đèn đúng cách thì đèn cũng sẽ dễ bị giảm hiệu suất làm việc hoặc nghiêm trọng hơn là hư hỏng thiết bị.

Tổng kết hoạt động của công ty 9 tháng đầu năm 2022
Hội thảo Chương trình hỗ trợ đại lý tăng doanh số